Các nét đặc trưng cơ bản của Vịnh Xuân Quyền phần 1 :
Kiềm dương tấn, còn gọi
là Kiềm dương mã tự, Nhị tự kiềm dương mã là một thế tấn đặc thù
của Vịnh Xuân Quyền, bao gồm hai dạng thức là chính thân kiềm dương
và trắc thân kiềm dương.
Trong Vịnh Xuân
Quyền, tấn pháp được áp dụng thường xuyên nguyên lý chiều
cao của tấn tỷ lệ nghịch với độ vững trãi và tỷ lệ thuận với độ linh hoạt,
theo đó tấn pháp càng thấp cơ thể càng vững nhưng tính linh hoạt lại giảm. Kiềm
dương mã tự cũng không phải là ngoại lệ, việc tập luyện tấn pháp này
không nhấn mạnh sự cố định một cao độ của người luyện tập, mà có thể linh động,
kết hợp với những bài tập tấn ở nhiều cao độ khác nhau, cả ở những tư thế rất
thấp tới mức cơ thể gần như ngồi trên mặt đất.
Tấn pháp kiềm dương, với chữ kiềm (鈐) tương đối dễ hiểu là “kìm”, “kẹp”, “giữ”. Nhưng chữ dương có vài cách
hiểu khác nhau: “dương” (羊) với nghĩa là con dê, khi đó
tấn sẽ được hiểu là thế “kẹp dê”, “giữ dê”. Theo huyền sử thì Ngũ
Mai sư thái đã cho nàng Nghiêm Vịnh Xuân tập
chăn dê và tắm cho các con dê bằng cách dùng hai chân kẹp chặt đầu và
cổ con vật, từ đó sẽ rèn luyện được nội lực và tấn pháp trước khi bước vào tập
võ (bộ phim Vịnh Xuân Quyền do các diễn viên Tạ Đình Phong, Hồng Kim
Bảo và Nguyên Bưu đóng, diễn tả ý nghĩa này). Tuy nhiên, theo
cách hiểu khác với chữ “dương” (陽) chỉ “mặt
trời”, “dương tính”, “dương khí”, “đàn ông”, “bộ phận sinh dục của giống đực”,
kiềm dương tấn là thế tấn duy nhất ở chính diện có đủ kín đáo, do đầu
gối hơi khép vào trong và có thể nhanh chóng kẹp chặt hai đùi, để thủ thế
và bảo vệ vững chắc trước những đòn tấn công vào hạ bộ, ít nhiều linh hoạt
và hiệu quả hơn hẳn trung bình tấn. Đi xa hơn trong suy luận, một số người
cho rằng kiềm dương ở đây nhằm mục đích luyện khí, mà luyện khí chủ yếu phải
kiềm dương (tiết dục).
Chính thân kiềm dương
Chính thân kiềm dương còn được gọi là Chính thân
kiềm dương mã tự, Nhị tự kiềm dương mã, tư thế gần giống với
tấn chuẩn bị (lập tấn) của các môn sinh Taekwondo, Karatedo với
khoảng cách hai gót chân đều vừa mức với chiều cao và bề
ngang của người tập, thường bằng vai hoặc hơi lớn hơn một chút,
hai bàn chân gần song song hình chữ nhị (二) với mũi
chân hơi hướng vào trong. Hạ thấp trọng tâm và hơi bẻ cong chân vào
để hai đầu gối có một khoảng cách tương đối nhỏ, bằng khoảng nắm
tay của người tập. Cơ thể người tập hơi ngửa ra phía sau để giữ
cho gót chân, cột sống và đầu được thẳng.
Do hai mũi bàn chân với ngón cái hơi xoay khép lại
thành hình chữ bát (八), thế tấn này còn có thể được gọi
là Bát tự kiềm dương (kiềm dương hình chữ bát). Nếu kéo dài chữ
“bát” người tập sẽ có một tam giác. Ở đây có những nguyên tắc để xác định góc tạo
thành đó là góc nhọn hay góc tù. Đưa chân người tập ra theo trục
thẳng trước mặt cho đến khi chân nằm ngang và lấy điểm vuông góc với gót chân
là đỉnh của tam giác. Cần đứng đúng cách để để hai chân hướng vào đỉnh này.
Trong phần lớn các bài tập tại chỗ của Vịnh Xuân
thường dùng chính thân kiềm dương, đặc biệt là sáo lộ đầu tiên Tiểu niêm đầu
chỉ sử dụng duy nhất một thế tấn này. Tuy nhiên, trong thực tế chiến đấu ít khi
môn sinh sử dụng thế tấn này mà nó thường được phản ứng nhanh sang thế tấn trắc
thân kiềm dương, với dụng ý dẫn đòn của đối phương vào khoảng không và phản đòn
theo nguyên lý “tá lực đả lực” (mượn sức đánh sức).
Trắc thân kiềm dương
Với ý nghĩa của chữ Trắc (側) là “mặt bên”, “bên cạnh”, “nghiêng” phản ánh đúng bản chất của thế tấn.
Khi đứng ở chính thân kiềm dương, người tập xoay đều
hai chân và thân sang một phía sao cho hai mũi chân song
song hướng về phía chéo góc khoảng 45 độ, người tập sẽ chuyển sang thế
tấn trắc thân kiềm dương. Thế tấn này ít nhiều giống trảo mã
tấn của một số môn phái, nhưng không hướng các mũi bàn chân thẳng phía
trước và cũng không nhón gót. Hai đầu gối khép vào nhau với khoảng cách giữa
chúng vẫn được giữ như ở chính thân kiềm dương. Trọng lượng cơ thể dồn khoảng
70% lên chân sau và khoảng 30% ở chân trước. Khi hạ thấp tấn hơn, người tập cần
duỗi chân trước ra phía trước với khoảng cách dài hơn.
Môn phái Vịnh Xuân khởi phát từ miền Nam Trung
Hoa, nơi mọi người thường dùng thuyền như một phương tiện vận chuyển
chính, cho nên, các võ sư sáng tổ của Vịnh Xuân Quyền như Đại Hoa Diện
Cẩm và các môn đồ của Hồng thuyền hội quán đã tập võ chủ yếu
trên thuyền, nơi yêu cầu giữ thăng bằng trở thành cốt tử. Thế tấn chính thân
kiềm dương và trắc thân kiềm dương được coi là phương cách tối ưu để giữ thăng
bằng.
Chính thân kiềm dương tấn là thế tấn quan trọng bậc
nhất của Vịnh Xuân Quyền, đi kèm với sáo lộ Tiểu niệm đầu như cơ bản công và cơ
bản kỹ thuật, nó giúp người tập luyện ngay từ những ngày đầu tiên đến với môn
phái đã luyện gân chân, làm lỏng và mạnh các khớp, tạo một chân đế vững chắc
như mọc rễ vào đất để phục vụ tối đa cho sự thả lỏng phần
trên (từ hông lên trở lên) theo nguyên tắc “thượng hư, hạ thực“. Tuy tấn nhấn
mạnh vào yêu cầu trụ vững nên buộc phải giảm sự linh động, ít nhiều có thể cản
trở cho sự phát huy lực từ trung tâm phát lực (hông eo), nhưng không
cản trở đường vận hành của khí xuống chân, và vì vậy không làm giảm
đáng kể lực thông xuống chân khi tập tấn tĩnh. Đầu gối cong vào cũng là một
cách tiết kiệm sức lực tối đa khi chân giữ trọng lượng cơ thể của người tập.
Bởi vậy, chính thân kiềm dương nếu được tập đúng, sau những khó khăn ban đầu,
người tập ngày càng có được sự linh hoạt đặc biệt, có thể đá bất kỳ lúc nào mà
không cần chuẩn bị, và cú đá sẽ có toàn bộ sức của thân thể khi tấn công vào
trung điểm của địch thủ. Thế tấn này cũng được dùng để thủ một cách hữu hiệu.
Trắc thân kiềm dương là thế tấn linh hoạt hơn Chính
thân kiềm dương, rất thuận lợi cho tấn công thần tốc mà vẫn có thể phòng thủ
kín đáo, vì vậy, trong Vịnh Xuân Quyền thế tấn này được ứng dụng chủ yếu khi
thực chiến.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire