PGS. TS Nguyễn Mạnh Nhâm nguyên là bác sĩ đã nghỉ hưu, một võ sư của môn phái Vịnh Xuân quyền, người đã tập luyện môn võ này trên nửa thế kỷ và hiện là chủ nhiệm Câu lạc bộ Vịnh Xuân Hà Nội.
Ông đã dày công nghiên cứu, đúc kết và sắp cho ra đời một cuốn sách về Vịnh Xuân quyền. Phóng viên Tiền Phong đã có dịp tiếp xúc và chuyện trò với võ sư Nguyễn Mạnh Nhâm và xin giới thiệu cùng bạn đọc đôi nét về Vịnh Xuân quyền.
Vịnh Xuân quyền hay Vĩnh Xuân quyền?
Theo khảo cứu của võ sư Nguyễn Mạnh Nhâm thì hiện tại có khoảng 20 chi phái Vịnh Xuân quyền. Trong tổng số các chi phái thì có xấp xỉ 80% nhận là Vịnh Xuân quyền: Vịnh ở đây có nghĩa là ngâm vịnh, ca ngợi. Chuyện kể rằng, Ngũ Mai sư bá (một nhà sư nữ) truyền dạy cho một người đàn bà tên là Nghiêm Vịnh Xuân và từ đó lấy tên là Vịnh Xuân để đặt cho môn phái.
Có 2 truyền thuyết về Nghiêm Vịnh Xuân: Theo Diệp Vấn (một võ sư
Danh sư Nguyễn Tế Công (Nguyễn Tế Vân) |
Biết Nghiêm Vịnh Xuân bị một tên cướp trong vùng bắt ép phải lấy hắn, Ngũ Mai sư bá đã truyền dạy võ nghệ cho Nghiêm Vịnh Xuân và sau đó bà đánh bại tên cướp. Lúc đó, có Lương Bác Trù cũng là cao thủ của phái Hồng Gia, mến tài của Nghiêm Vịnh Xuân mà đem lòng yêu thương, nhất là khi thấy bà luyện võ cùng cha dưới ánh trăng. Khi hai người thành hôn, Nghiêm Vịnh Xuân dạy võ cho chồng rồi hai người về Phật Sơn và Hồng Thuyền truyền dạy cho những người khác. Sau khi Lương Bác Trù mất, Nghiêm Vịnh Xuân quy y, tu ở chùa Vĩnh Xuân, (huyện Kiến Xương, tỉnh Quảng Đông).
Lại có một truyền thuyết khác: Ngũ Mai sư bá lúc đó đang tu ở chùa Bạch Hạc Sơn, một hôm đi hái thuốc, bỗng thấy một hài nhi bị bỏ rơi trong rừng, mình bọc trong chiếc chăn hồng rất đẹp, có viết chữ Nghiêm. Sư Ngũ Mai nghĩ rằng bé gái này chắc là con một gia đình quyền quý họ Nghiêm do hoàn cảnh éo le mà phải bỏ nơi rừng núi. Lúc đó đang vào mùa xuân trăm hoa khoe sắc, nên Ngũ Mai sư bá bế về nuôi đặt tên cho bé là Nghiêm Vịnh Xuân.
Vịnh Xuân lớn dần và được học chữ, học đạo và võ nghệ do Ngũ Mai sáng tạo từ võ Thiếu Lâm khi quan sát kỹ cuộc chiến giữa một con chim hạc và một con rắn. Trước khi “hạ sơn”, Vịnh Xuân thưa hỏi tên môn phái thì Ngũ Mai bảo: “Con là người đầu tiên được ta truyền cho môn võ này, thì cứ lấy tên con mà đặt cho môn phái…”.
Còn lại khoảng 20% chi phái tự nhận là “Vĩnh Xuân quyền” (Chữ Vĩnh khác chữ Vịnh là không có bộ Ngôn hay Khẩu ở bên trái, có nghĩa là: dài, lâu). Tuy nhiên, theo võ sư Nguyễn Mạnh Nhâm, ông chọn cách gọi Vịnh Xuân quyền là theo đa số (80%).
Ai là “sư tổ” Vịnh Xuân quyền Việt Nam?
Ở Việt Nam, ai đã từng tập luyện Vịnh Xuân quyền đều biết đến cái tên Tế Công. Tuy nhiên, ngoài một số thông tin như ông là người Trung Quốc, lánh nạn sang Việt Nam từ đầu thế kỷ 20, dạy võ cho một số môn đệ Việt Nam, thì hầu như, rất ít người biết đến thân thế và gia cảnh của ông.
Tháng 3/2004, võ sư Nguyễn Mạnh Nhâm đã có một chuyến hành hương về Phật Sơn (Quảng Châu, Trung Quốc). Võ sư Nhâm đã được chiêm ngưỡng linh vị của ông Hoắc Nguyên Giáp (1 trong 10 kỳ nhân võ học đương đại Trung Quốc – người sáng lập Tinh Võ Môn) tại võ đường Phật Sơn.
Võ sư Nhâm cũng đã may mắn được Ban chấp hành Hội võ thuật Phật Sơn gồm Chủ tịch danh dự Hà Hải Lâm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký (Bí thư trưởng) Lương Húc Huy và nhiều vị lãnh đạo, võ sư, võ sinh tiếp đón hết sức thân mật. Võ sư Nhâm đã đến thắp hương tại võ đường Diêu Kỳ – do cố võ sư Diêu Tài (học trò của cụ Tế Công trước khi sang Việt Nam) sáng lập.
Ngoài ra, võ sư Nguyễn Mạnh Nhâm còn được gặp gỡ, đàm đạo với võ sư Tổ Đường là cháu nội của cụ Tế Công. Võ sư Nguyễn Mạnh Nhâm kể lại: Theo đề nghị của phía bạn, ông đã vận nội công để Tổng thư ký Lương Húc Huy đấm một hồi, tiếp đó, một võ sư có thân hình lực lưỡng, nặng trên 80 kg tên là Lương Sĩ Thu, Trưởng chi phái “Phật Sơn tinh võ thể dục Hội” ra đòn liên tiếp vào bụng, ngực võ sư Nguyễn Mạnh Nhâm nhưng ông vẫn đứng im không hề suy chuyển.
Vị Chủ tịch danh dự Hà Hải Lâm phải thốt lên: “Thanh niên mà không bằng ông già!" (Võ sư Nguyễn Mạnh Nhâm năm nay đã sắp bước vào tuổi 70). Tuy “chịu đòn” không phải là loại công phu đặc biệt của người tập Vịnh Xuân quyền nhưng nó cũng chứng tỏ thành tựu nhất định khi luyện môn võ này. Qua chuyến đi này, võ sư Nguyễn Mạnh Nhâm đã tìm hiểu được nhiều thông tin về người được coi là đã truyền môn võ Vịnh Xuân quyền vào Việt Nam.
Võ sư Nhâm cho biết: Họ tên chính của sư tổ Vịnh Xuân quyền Việt Nam là Nguyễn Tế Công (còn có tên khác là Nguyễn Tế Vân, Lương Vũ Tế, Tài Cống), sinh năm 1877 ở Tân Hội (Quảng Đông, Trung Quốc). Thân phụ là Nguyễn Long Minh – một thương gia giàu có mở xưởng pháo hoa ở Phật Sơn.
Ông là con thứ 4, cùng người em thứ 5 năm Nguyễn Kỳ Sơn được gia đình bỏ ra một số tiền lớn để xin học võ Hoắc Bảo Toàn (Phổ Bá Quyền). Hoắc Bảo Toàn là một bộ đầu ở Phật Sơn, nổi tiếng về Vịnh Xuân quyền, lại giỏi đạo pháp. Hoắc Bảo Toàn là học trò của Hoàng Hoa Bảo (cháu ruột của sư tổ Ngũ Mai) và Đại Hoa Diện Cẩm. Sau khi học võ sư phụ Hoắc Bảo Toàn, hai anh em Tế Công và Kỳ Sơn lại tiếp tục theo học Phùng Thiểu Thanh – quan án sát Quảng Châu – cũng rất giỏi và nổi tiếng về Vịnh Xuân quyền và côn thuật.
Trước thịnh tình của gia đình họ Nguyễn, Phùng Thiếu Thanh (lúc đó đã 70 tuổi) đã đồng ý đến ở trong nhà họ Nguyễn và dạy võ cho một nhóm 8 người trong đó có hai anh em Tế Công. Phùng Thiểu Thanh mất năm 74 tuổi và được gia đình họ Nguyễn tổ chức tang lễ chu đáo. Gia đình ông Tế Công ở ngay gần gia đình Diệp Vấn. Khi gia đình Diệp Vấn gặp khó khăn, gia đình Tế Công vẫn thường xuyên giúp đỡ. Hai bên quan hệ với nhau rất thân thiết.
Năm 30 tuổi (1907), Nguyễn Tế Công lánh nạn sang Việt Nam. Lúc đầu ông ở Hải Phòng sau chuyển về phố Hàng Buồm (Hà Nội) mở hiệu thuốc và nắn bó xương, cuối cùng chuyển về phố Hàng Giày. Thời kỳ đầu sang Việt Nam, ông làm quản gia kiêm bảo tiêu cho một nhà tư sản người Hoa có mỏ ở miền Bắc Việt Nam.
Ông có dạy võ cho người con trai chủ nhà là Cam Túc Cường. Vào dịp lễ, Cam Túc Cường vừa hát vừa biểu diễn múa dải lụa mềm dài 5 m, nhưng lụa không bao giờ chạm đất. Lúc sang Việt Nam ông Nguyễn Tế Công có một người con gái nuôi là La Tố Mai cũng rất giỏi Vịnh Xuân quyền.
Một lần, khi ông Tế Công đang khám bệnh thì xuất hiện 2 người một già, một trung niên. Hai người bước vào với vẻ mặt cừu địch. Ông bảo người nhà rót hai chén nước, đưa cho người trung niên một chén, và cầm một chén. Hai người nâng hai chén nước và cụng… ly.
Tế Công vận nội công và từ từ bước lên. Người trung niên tay run, không chịu nổi cứ phải lùi dần ra cửa. Thấy vậy, người khách già vỗ vai người trung niên lắc đầu và bảo rằng, “suốt đời nội lực của anh không sánh kịp Tế Công đâu, thôi xóa bỏ hận thù đi”. Lúc ấy mọi người mới biết, trung niên kia vốn có mối thâm thù với ông Tế Công từ bên Trung Quốc, đã bỏ ra mười mấy năm trời tu luyện rồi sang Việt Nam tìm để giao đấu, nhưng cuối cùng đành phải quy phục…
Sau khi con gái nuôi mất (do ung thư vú), ông Tế Công lấy vợ và sinh hai con: một trai (A.Dếnh), một gái (A.Dung). Sau này ông vào Sài Gòn sinh sống ở Chợ Lớn và mất năm 1960, thọ 84 tuổi.
Cho đến nay, khoá học trò đầu tiên của ông Tế Công cũng đã lên đường theo Sư tổ, trong đó, những cái tên được nhắc nhiều nhất như: Việt Hương, Trần Văn Phùng, Trần Thúc Tiển, Ngô Sĩ Quý, Vũ Quý. Lớp học trò kế tiếp cũng có nhiều người được giới võ thuật biết đến như: Phạm Khắc Quảng, Nguyễn Xuân Thi (nguyên Chủ tịch Hội Võ cổ truyền Hà Nội), Phan Dương Bình, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Mạnh Nhâm, Nguyễn Xuân Khoát -nhạc sĩ, Nguyễn Ngọc Nội, Trần Thiết Côn, Trần Hoài Ngọc, GS. TS Lê Kim Thành , Nguyễn Văn Lễ bác sĩ, Hoàng Quốc Toàn, Dương Quốc Tuấn, Đỗ Tuấn, Hoàng Vĩnh Giang (giám đốc sở TDTT Hà Nội), Vũ Văn Luân…
Tại Thành phố Hồ Chí Minh ông Tế Công cũng dạy võ thuật cho một số người như Lục Viễn Khai, giáo sư kiến trúc Đỗ Bá Vinh, bác sĩ Nguyễn Bá Khả (nguyên Bộ trưởng Y tế thời Nguỵ), Nguyễn Duy Hải…
Hiện nay, có tới hàng chục ngàn môn sinh luyện tập Vịnh Xuân quyền chứng tỏ sức hấp dẫn và lợi ích của môn võ này. Được biết, các môn sinh Vịnh Xuân quyền đang đề nghị Nhà nước cho phép thành lập Hội võ thuật Vịnh Xuân quyền Việt Nam.
Đây là một nguyện vọng chính đáng cần phải được ủng hộ. Thông tin từ lãnh đạo UBTDTT cho hay Nhà nước khuyến khích và ủng hộ kiến nghị của người tập Vịnh Xuân quyền Việt Nam, vấn đề còn lại chỉ là thủ tục hành chính. Xin chúc mừng các môn đệ của Vịnh Xuân quyền Việt Nam.
Mạnh Việt
Việt Báo (Theo_Tien_Phong)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire